Hai nghệ sĩ tài ba của nước anh là Tim Noble và Sue Webster đã xóa tan ranh giới giữa vẻ đẹp của những chiếc bóng và... rác. Từ những tác phẩm đẹp đẽ và đáng kinh ngạc của mình, cả hai còn muốn gửi đến những thông điệp về cuộc sống, về bản chất con người cũng như mối quan hệ giữa con người và môi trường. Hai nghệ sĩ đầy sáng tạo này thường sử dụng rác các loại, từ giấy lộn, vỏ lon cho đến cả sắt thép phế liệu, kết hợp với hệ thống đèn chiếu để tạo nên những bóng đổ trên tường. Nếu nhìn trong ánh sáng thường, rất nhiều người sẽ phải ngã ngửa vì không ngờ những chiếc bóng y như thật đó lại là sản phẩm của nghệ thuật sắp xếp từ.... rác.
Bức ảnh dưới đây có tên là Rác Trắng, một trong những tác phẩm mới nhất của hai nghệ sĩ này. Họ đã mất tới 6 tháng trời làm nên chiếc bóng tuyệt vời này từ những đồ gia dụng, một đôi chim mòng biển chết (ặc ặc ) và cả đống rác thải. Hình ảnh chiếc bóng trên tường chính là mô tả lại một thời khắc nghỉ ngơi sau khi làm việc vất vả của hai nghệ sĩ Tim và Sue. Một người thì thư thái hút điếu thuốc, một người thì nhấm nháp ly rượu, thật là một sư khắc họa hơn cả tuyệt vời!
Bức ảnh thứ hai mang một cái tên hơi "cay đắng": "Cuộc đời thật giống như rác rưởi" , được tạo nên từ những vật dụng trong studio chứ không phải từ rác hàng ngày. Đó là tất cả những vật dụng mà một nghệ sĩ tạo hình nào cũng có lúc phải dùng đến: một chiếc tua vít tạo thành "chiếc mũi" của Noble, và nhiều vật dụng thừa như là mảnh giấy đánh bóng đã mòn được chất đống và tạo hình. Nếu nhìn với ánh sáng thực, ta sẽ chẳng thấy gì ngoài một đống hỗn độn, nhưng với ánh sáng của đèn chiếu, bức chân dung của hai nghệ sĩ hiện ra thật sống động không thua gì người thật.
Bức ảnh thứ ba, một tác phẩm nổi tiếng mang tên Chàng/Nàng đã từng gây sốc cho người xem bởi nó minh họa lại hình ảnh hai nghệ sĩ đang... "giải quyết nhu cầu hàng ngày"! Có người cho rằng đây là sự bôi nhọ nghệ thuật, một sự thô thiển không đáng đưa vào nghệ thuật, nhưng không ít người khen ngợi khả năng sáng tạo và độ chân thực của tác phẩm.
Và đây là hình ảnh thật của tác phẩm dưới ánh sáng ban ngày
Bức ảnh thứ 4 mô tả hai con chuột đang "tình tứ" với hai chiếc đuôi kết lại thành hình trái tim. Với hai nghệ sĩ, mọi thứ đều có sự lãng mạn và tâm hồn riêng của nó.
Bức ảnh cuối là phần đầu của hai nghệ sĩ, được tạo ra từ xương và xác một số động vật có ** cỡ nhỏ. Qua tác phẩm có vẻ hơi "ghê rợn" này, ta có thể thấy Noble và Sue muốn xóa đi lằn ranh giữa con người và động vật, muốn chỉ cho con người thấy được nguồn cội của họ và từ đó, phải sống vì môi trường và thiên nhiên, chứ không phải chỉ sống cho lợi ích của riêng mình.
Đôi nghệ sĩ gặp gỡ nhau từ khi học đại học Nottingham vào những năm cuối thập niên 80, sau đó kết hôn và rời đến London, nơi họ đã tạo nên danh tiếng của mình. Dù được mệnh danh là những kẻ nổi loạn của nghệ thuật, nhưng không ai dám phủ nhận tài năng và sự sáng tạo đáng kinh ngạc của hai con người này.